– Cái gì đã đánh bại “tiki-taka”?
– Lối chơi “gegenpressing”
Với thành công vang dội của Borussia Dortmund trong những năm gần đây, hình ảnh của đội bóng vàng-đen vùng Ruhr cũng như huấn luyện viên của họ, Jurgen Klopp, được gắn liền với cụm từ “gegenpressing”. Dần dần, “gegenpressing” được sử dụng rất nhiều trên các phương tiện truyền thông – nhưng thực chất, không phải ai cũng hiểu về nó.
1. “Gegenpressing” là gì?
“Gegenpressing” không có nghĩa là chạy liên tục, chạy thật nhiều, đá thật nhanh. Nó cũng không hẳn là lối chơi. Nó là hành động của một đội bóng: áp sát đối phương, một cách có tổ chức, ngay sau khi bị mất bóng. Mục đích khi thực hiện “gegenpressing” là vừa để chống phản công, vừa để giành được bóng để tổ chức phản công ngay.
2. “Gegenpressing” để làm gì?
Nếu như mất bóng, một đội bóng có thể ngay lập tức rút về vị trí phòng ngự bên sân nhà, chỉ để lại một hay hai người nhằm cầm chân đối thủ. Hoặc là họ sẽ áp sát ngay lập tức.
Khi “gegenpressing”, lợi ích đầu tiên và rõ ràng nhất là đợt phản công sẽ bị chặn lại hoặc chậm đi phần nào. Lợi ích thứ hai: khi giành được bóng, đội đó có một cơ hội cực tốt để phản công.
Gegenpressing là “cầu thủ” kiến tạo tốt nhất
– Jurgen Klopp
Vì sao Klopp lại nói như vậy? Vì khi một đội A mới giành được bóng từ chân đội B, đây là lúc đội A dễ bị tổn thương nhất. Khi đó, cầu thủ đội A vừa mới lấy được bóng sẽ phải quyết định ngay là làm gì tiếp theo, trong khi các đồng đội của anh ta sẽ phải tái tổ chức lại, từ trạng thái “không có bóng” sang “có bóng”. Trong giây phút đó, nếu một đám đông cầu thủ B áp sát và chiếm lĩnh không gian quanh bóng ngay lập tức, A có nguy cơ mất bóng rất cao – và khi để mất bóng thật thì họ cũng sẽ không kịp phản ứng khi các cầu thủ B, ở gần nhau, lao về phía cầu môn của mình với tốc độ chóng mặt. Chưa kể tới việc “gegenpressing” thường xảy ra ở nửa sân bên kia, có nghĩa là cơ hội ăn bàn sẽ cao hơn.
3. Những yếu tố cần thiết cho “gegenpressng”
Trước hết, vì đội bóng của bạn sẽ phải chạy rất nhanh, rất nhiều, yếu tố thể lực, tốc độ, sự bền bỉ sẽ vô cùng cần thiết.
Nhưng yếu tố quyết định nhất là vị trí của từng cầu thủ trong đội. Các cầu thủ phải ở gần nhau, không được tách quá xa nhau, nếu không thì đối phương sẽ dễ dàng chuyền qua những khoảng hở rộng lớn giữa hai cầu thủ đội nhà. Như vậy thì có lao vào phía bóng cũng chỉ phí sức khi đối phương không hề bị gây sức ép thật sự nào, mà lại còn để lại khoảng trống mênh mông phía sau nữa. Đồng thời, các cầu thủ cũng không được ở quá gần nhau, vì như thế lượng không gian cần thiết để khóa chặt khả năng thoát ra của đối phương lại không được bao quát một cách đầy đủ. Muốn có được điều này, vị trí của các cầu thủ phải được tổ chức tốt từ trước khi họ để mất bóng, tức là từ khi tấn công, các cầu thủ đã phải kết nối thành mạng lưới với nhau chứ không thể dàn trải. Có như vậy thì khi mất bóng mới có thể “gegenpressing” được.
Nếu như “gegenpressing” không thành công, tức là đối thủ thoát ra được khỏi vòng kiềm tỏa, đội bóng đó nên lùi về lập đội hình phòng ngự chắc chắn, chờ tín hiệu thuận lợi để dâng lên áp sát đối phương, hoặc là tiếp tục phòng ngự tầm thấp. Mỗi đội có quy tắc riêng, ví dụ như luật sáu giây của Barcelona: Nếu như mất bóng, họ sẽ áp sát ngay lập tức; nếu sau sáu giây mà không lấy lại được, Barca sẽ lùi về lập đội hình vững vàng để phòng ngự.
Tóm lại: Trong “gegenpressing”, đội bóng sẽ phải đổi trạng thái liên tục: từ “có bóng” phải làm quen ngay với “không có bóng” và bủa vây pressing ngay lập tức, rồi lại “có bóng” và rồi phải phối hợp với nhau để phản công nhanh. Vì vậy các cầu thủ phải nhanh nhẹn, ăn ý và được luyện tập cẩn thận, chi tiết từ trước.
4. Một số cách để triển khai “gegenpressing”
“Gegenpressing” nên được thực hiện theo kiểu chặn “từ trong ra ngoài”, từ giữa sân lan ra hai cánh. Tức là: khu vực giữa sân cần được ưu tiên chặn lại. Bởi tại đó, cầu thủ có tầm nhìn 360 độ cũng như tầm hoạt động rộng nhất. Nếu như chặn hoàn toàn vùng này và đẩy đối thủ ra hai cánh cũng như về phía khung thành của mình, người đó sẽ bị hạn chế rất nhiều, không thể chuyền bóng (có thể là không quay người lại về phía cầu môn đối phương được). Vì thế mà đợt phản công sẽ bị chậm lại đáng kể hoặc chặn lại từ trong trứng nước.
Câu hỏi tiếp theo: Cụ thể thì nên tiếp cận đối phương như thế nào?
Có bốn cách như sau:
Cách 1: “Gegenpressing” định hướng “không gian”
Borussia Dortmund sử dụng cách này. Trong đó các cầu thủ sẽ tiến về phía cầu thủ đội bạn đang có bóng. Toàn bộ không gian xung quanh cầu thủ đang có bóng sẽ bị chiếm lĩnh. Áp lực rất lớn sẽ được tạo ra, người có bóng sẽ bị áp đảo bởi hàng loạt cái áo đối phương, trong khi những phương án chuyền gần nhất cũng đã bị thu hẹp tới mức tối đa. Kết quả: mất bóng, hoặc một cú phất bóng dài (thường thì cũng mất bóng sau đó)
Borussia Dortmund gegenpressing
Cách 2: Định hướng “đối thủ”
Trong cách “gegenpressing” này, người cầm bóng chỉ bị áp sát bởi một hay hai cầu thủ. Tất cả các cầu thủ kia thì nhanh chóng chọn một đối thủ gần nhất để kèm, giống như kiểu kèm người trực diện vậy. Bằng cách này, các cầu thủ để có thể chuyền bóng tới đã bị khống chế một cách trực tiếp.
Cách 3: Định hướng “hướng chuyền”
Trong khi người mang bóng sẽ bị áp sát bởi một cầu thủ, các cầu thủ còn lại chọn vị trí để khống chế các hướng chuyền gần nhất. Nói cách khác, đội thực hiện cách này không muốn khống chế trực tiếp người muốn nhận bóng, mà là những đường chuyền khả dĩ. Với cách này, đội bóng đó có thể đẩy đối phương thực hiện những đường chuyền hỏng hoặc đúng theo ý đồ của mình, từ đó thu hồi bóng và phản công rất nhanh. Đây là một trong những bí quyết thành công của Barcelona dưới thời Pep Guardiola.
Cách 4: Định hướng “bóng”
Đã bao giờ các bạn thấy cảnh các cầu thủ Hà Lan những năm 70, thời kì của “Bóng đá tổng lực”, lao vào áp sát để lấy bóng? Mục tiêu của họ chỉ đơn giản là quả bóng. Họ không quan tâm tới “cấu trúc”, chỉ muốn tạo ra áp lực và sự quyết liệt tối đa nhằm “ăn tươi nuốt sống” đối phương, mặc kệ những khoảng hở có thể có ở bên sườn.
Minh họa: cách pressing của đội bóng SV Grodig (đang chơi tại giải Bundesliga Áo) vào mùa giải trước
5. Kết luận
Bạn hoàn toàn có thể chọn cách đổ bê tông, dựng xe buýt, hay lui về bất cứ khi nào có thể, hoặc là lao lên áp sát thật mãnh liệt. Chơi khúc nhạc giao hưởng nhẹ nhàng hay đánh heavy metal, điều đó tùy thuộc vào tư duy của huấn luyện viên cũng như khả năng của đội bóng, của từng cá nhân. Đến cả cách “gegenpressing”cũng không hề xơ cứng, mà còn có thể được kết hợp hoặc thay đổi tùy tình huống (nếu thêm cả “bẫy pressing” thì càng tốt).
Với “gegenpressing”, một đội bóng luôn đi tìm sự chủ động trên sân đấu, luôn muốn đi trước đối thủ trong tất cả bốn giai đoạn của cuộc chơi. Tuy vậy, đây lại là một phương án chiến thuật đòi hỏi sức mạnh cũng như sự chính xác cực kì cao độ trong một thời gian dài. Có lẽ đây cũng chính là lí do vì sao Barca có xu hướng hụt hơi vào khoảng tháng Hai, cũng như Dortmund có nhiều chấn thương như vậy.
Bất kì đội nào cũng đều thực hiện “gegenpressing”. Nhưng không nhiều đội biến nó trở thành một hệ thống hẳn hoi như Barcelona, Dortmund hay Bayern – những đội bóng rất thành công của châu Âu cũng như thế giới trong khoảng năm năm trở lại đây.
Nguồn: 4231